Sài Gòn được thắp sáng bằng điện từ khi nào ?
Nguồn: https://vnexpress.net/
Ngày xưa, chỉ một vùng trung tâm của Sài Gòn được thắp sáng bằng đèn điện. Nguồn điện được kéo từ nhà máy của Công ty Điện lực Sài Gòn.
– Theo sách Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu, Sài Gòn lần đầu được chiếu sáng bằng điện vào năm 1897, khi nhà máy điện đầu tiên của thành phố được xây xong và vận hành.
Thời gian đầu, nhà máy này cung cấp điện cho 40 đèn hồ quang (lampe à arc), 394 đèn dây tóc (lampe à incandescence) với nhiều công suất khác nhau để chiếu sáng đường phố, và 100 bóng đèn có công suất 6 nến (6 bougies) để thắp sáng cho các biệt thự công của thành phố.
Từ năm 1897 cho tới năm 1904, chỉ có một số khu vực được thắp bằng đèn điện: đường Francis-Garnier (nay là đường Tôn Đức Thắng, đoạn từ Hai Bà Trưng đến rạch Bến Nghé), các đường Duperré (Hàm Nghi), Mac-Mahon (Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đoạn từ bờ sông Lê Lợi), Colombert (Alexandre de Rhodes), Blancsubé (Phạm Ngọc Thạch), đại lộ Norodom (Lê Duẩn), đường Paul Blanchy (Hai Bà Trưng), La Grandière (Lý Tự Trọng), Pasteur (Thái Văn Lung), đường bến Primauguet (Tôn Đức Thắng, đoạn từ Hai Bà Trưng đến Ba Son).
Một cột đèn phía trước Nhà hát thành phố. |
– Theo tác giả sách Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu, khi người Pháp chiếm được Sài Gòn, cơ sở hạ tầng đô thị của thành phố chưa có nhiều, ngoại trừ một số đường phố có nền đất.
Lúc đấy, vì đường sá ban đêm tối nên cảnh sát Pháp đã chỉ thị mọi hộ dân nhà mặt đường phải thắp một chiếc đèn dầu ngay trước cửa, kể từ phát súng đại bác buổi tối báo hiệu giờ binh lính phải về doanh trại cho đến khi trời sáng.
Đồng thời, họ cũng quy định xe cộ, chủ yếu là xe bò và xe ngựa đi trên đường phố vào ban đêm phải treo đèn dầu trên xe.
Cuối năm 1865, nhà cầm quyền dự định làm hơn 150 cột đèn lồng thắp bằng dầu dừa, mỗi cột cách nhau 100 m tại một số con đường, bến sông và quảng trường (chủ yếu ở khu vực trung tâm quận 1 ngày nay) với tổng chiều dài hơn 15 km.
Đến tháng 6/1867, ủy hội thành phố mới quyết định bỏ tiền để mua 100 cây đèn lồng đầu tiên thắp bằng dầu dừa, đặt tại một số đường phố chính. Tháng 11 năm đó, việc lắp đặt này hoàn tất và ủy hội thành phố tuyên bố lệnh của cảnh sát thắp đèn ở cửa nhà không cần thiết nữa. Đó là lần đầu tiên Sài Gòn có đèn chiếu sáng đường phố.
Sau này, thành phố quyết định đổi sang thắp sáng bằng dầu lửa, bắt đầu từ năm 1870.
Cột đèn đường thắp bằng đèn dầu hỏa ở Sài Gòn những năm 1897-1898. |
Giữa năm 1869, nhà thầu thắp sáng đề nghị thành phố cho chuyển sang đèn thắp bằng dầu hỏa để thay cho dầu dừa. Khi đọc được báo cáo của ngành cầu đường nhận định rằng đèn đốt bằng dầu lửa sáng hơn so với dầu dừa, ủy hội thành phố mới quyết định cho thắp sáng đường phố bằng đèn dầu lửa từ ngày 1/4/1870.
Trong một chuyến thăm Sài Gòn năm 1872, một ký giả Pháp kể lại rằng “các đường phố thắp sáng bằng đèn dầu và được hút dầu ra bởi các ống máng vươn dài ra ở các bên hông”.
Một tờ quảng cáo đèn dầu lửa xưa. |
Sau 17 năm chiếu sáng đường phố trung tâm Sài Gòn bằng dầu lửa, tháng 3/1887, lần đầu tiên Hội đồng thành phố lập ra một ủy ban để xem xét các dự án chiếu sáng bằng điện. Tuy nhiên, lúc ấy, ngay trong Hội đồng thành phố cũng có nhiều ý kiến không đồng ý với nguồn năng lượng quá mới mẻ này. Phải hai năm sau (tháng 3/1889), Hội đồng thành phố Sài Gòn mới biểu quyết cho làm thử đèn điện.
Khi được thành lập, mục đích chính của nhà máy điện đầu tiên ở Sài Gòn là cung cấp điện cho hệ thống đèn chiếu sáng đường phố, vì thế người ta hay gọi nhà máy điện là nhà đèn, hoặc nhà máy đèn.
Nhà máy điện đầu tiên ở Sài Gòn, phía sau Nhà hát thành phố, nay là trụ sở Công ty Điện lực miền Nam. |
Hợp đồng cung cấp điện đầu tiên đã được ký kết giữa thành phố và hãng của ông Hermenier, năm 1896.
Năm 1897, nhà máy điện đầu tiên của Sài Gòn do Công ty Điện lực Sài Gòn (lập năm 1896) của Hermenier và một số người khác góp vốn được xây dựng xong. Vị trí của nhà máy này ở gần đường Nationale (nay là đường Hai Bà Trưng), phía sau Nhà hát thành phố (nay là trụ sở Công ty Điện lực miền Nam).
Theo Tổng niên giám Đông Dương năm 1910, nhà máy điện đầu tiên của Công ty Điện Sài Gòn cung cấp dòng điện 1 chiều với điện thế 12 volt, phân phối bằng 3 dây điện.
Điện được sản xuất bằng máy hơi nước và các thiết bị máy móc sau: Một bộ nồi hơi nửa ống, mỗi nồi có diện tích đun là 150 m2. Hai máy hơi nước kiểu Corliss công suất 350 mã lực, mỗi máy vận hành hai máy phát điện với điện thế 300 volt. Ba tuốc-bin Laval 150 mã lực, mỗi cái vận hành hai dynamo 360 ampe với điện thế 160 volt. Một bộ ắc quy lưu động 1.000 ampe giờ để phân phối điện, có kèm theo thiết bị an toàn và kiểm soát.
Cột đèn điện trên đường Catinat, nay là đường Đồng Khởi. |